0%
Nguyen Hue University Forum

Diễn đàn Trường Đại học Nguyễn Huệ

Click để ẩn/hiện Quảng Cáo

Go downThông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

TS
TS
TS

Xuất quỷ nhập thần, thay hình đổi dạng, vào tận sào huyệt địch diệt địch, khiến bọn ác ôn, bọn tình báo Mỹ - ngụy ngày đêm nơm nớp lo sợ, với chúng, không có chỗ nào an toàn. Những người làm bọn địch thất kinh bát đảo ấy chính là các chiến sĩ trinh sát đặc nhiệm Phân đội 3, Công an vũ trang Vĩnh Linh do Nguyễn Thanh Hà phụ trách trong những năm giữa thập niên 60 của thế kỷ trước.

Người trinh sát đặc nhiệm năm xưa 68124

Đại tá Nguyễn Thanh Hà. Ảnh: XT
Trong căn nhà bình dị tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị, tiếp chuyện tôi, giọng Đại tá Nguyễn Thanh Hà chậm rãi:
..."Ngày ấy, theo yêu cầu của Tỉnh ủy Quảng Trị, được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn và Bộ Tư lệnh Công an vũ trang, một số phân đội trinh sát đặc nhiệm của Công an vũ trang Vĩnh Linh được thành lập để vào giúp Quảng Trị vừa xây dựng cơ sở chính trị, diệt ác phá kìm, vừa bảo vệ giới tuyến, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trên địa bàn quận Trung Lương giáp sông Bến Hải có tên Trần Sung (sau này, bộ phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" đặt tên là Trần Sùng) khét tiếng gian ác. Hắn là lưới trưởng, cấp hàm Trung úy, mang bí số AF 321, chỉ huy màng lưới tình báo từ Trung Lương ra miền Bắc. Nhà riêng của Trần Sung cách căn cứ Ba Dốc khoảng 800 mét, ở ngay cạnh lô cốt ngụy, nằm trong phạm vi bảo vệ của một đại đội lính cộng hòa. Một tổ trinh sát đặc nhiệm của Phân đội 3, do Hồ Sĩ Chất chỉ huy, bí mật vượt sông Bến Hải lúc xẩm tối, lần lượt vượt qua mọi phòng tuyến của địch, rồi tiếp cận nhà tên Sung. Đúng 21 giờ 30 phút, ngày 13-12-1966, một trinh sát đóng vai "quan trên" gõ cửa nhà tên Sung. Sung ra mở cửa liền bị bắt mà không một tiếng kêu la. Ít phút sau, tổ trinh sát bắt tiếp Nguyễn Hải mang bí số 428 - một chân tay đắc lực của Trần Sung. Hai tên này được đưa ngay sang bờ Bắc, tuyệt nhiên không một tiếng động, không để lại một dấu vết. Bắt được hai tên tình báo nguy hiểm này, ta đã quét sạch một mảng quan trọng của màng lưới "Bắc Ải Vân" của Mỹ - ngụy gồm 12 tên cả tình báo và mật báo viên; đồng thời nắm được nhiều kế hoạch cùng âm mưu thâm độc của địch ở hai bờ giới tuyến...".

- Bốn bề là địch, là "tai mắt cài cắm" của chúng, các anh vào nhà tên Sung bằng cách nào? - Tôi ngắt lời ông.

- Tất nhiên là có cơ sở dẫn đường và cách đánh đặc công - Ông giải thích ngay.

Vầng trán cao lúc này của ông giãn ra, những nếp nhăn như đỡ sâu hơn - Đào bới hết trí tuệ của cả phân đội mới bắt tên Sung, tên Hải được nhanh gọn như rứa - Ông nén cơn ho, nhấp liền mấy ngụm nước rồi kể tiếp:

"Cái trận diệt tên Phương tuyên truyền viên của địch cũng rất lạ, khoảng tháng 7 - 1963, quên mất ngày rồi. Phương được bọn đầu sỏ ở Quảng Trị phái ra bờ Nam sông Bến Hải, chuyên trách về chiến tranh tâm lý, ở thời điểm ấy nguy hiểm lắm. Dọc bờ Nam, chúng đặt một hệ thống loa truyền thanh công suất rất mạnh chĩa sang bờ Bắc. Tên Phương rất tài ứng khẩu, có thể thao thao khoác lác vài ba tiếng đồng hồ trước máy phóng thanh mà không cần soạn thảo trước. Hắn nói xấu chế độ miền Bắc đủ điều, thậm chí cả lãnh tụ. Chính quyền ngụy phong cho tên Phương danh hiệu: "Anh hùng chống Cộng trên sông Bến Hải".

Vì vậy, đồng bào hai bờ giới tuyến rất căm phẫn tên này. Chấp hành chỉ thị của trên, một tổ trinh sát của Phân đội 3 chúng tôi do 3đồng chí: Hồ Sĩ Chất, Vũ Văn Tuân, Trần Đình Kính được giao nhiệm vụ xử tội tên Phương. Song, phải thực hiện đúng phương châm: "Đúng người, tuyệt đối bí mật, không để địch lợi dụng vu cáo ta". Tên Phương thuộc loại tay sai đắc lực nên bọn ngụy bố trí bảo vệ rất chặt. Buồng phát thanh và nhà ở của hắn nằm ngay trong đồn cảnh sát Xuân Mỹ, ngày đêm đều có lính gác. Nếu có bất trắc xảy ra, lập tức có 2 trung đội cảnh sát dã chiến kéo về chi viện trong vòng 20 phút. Bản thân Phương có một vệ sĩ bám theo như hình với bóng.

Đêm ấy, Phương ngồi trước máy khua môi múa mép đến tận 11 giờ khuya. Chấm dứt buổi phát thanh, hắn đứng dậy. Tên vệ sĩ né mình cho chủ đi ra tắt máy nổ cách đó 150 mét. Tiếng động cơ dứt, tên Phương vừa khóa cửa buồng máy, quay trở lại thì Nguyễn Văn Tuân cho một quả đấm "nốc ao", Hồ Sĩ Chất bồi thêm một đòn chí mạng, tên Phương chết ngay trước buồng máy nổ. 15 phút sau, xe chở cảnh sát ngụy từ Hiền Lương xuống, rú còi inh ỏi, đèn pha quét sáng trưng. Chúng tìm kiếm mọi ngõ ngách, từng gốc cây, nhưng chẳng phát hiện được một dấu vết nào. Cũng chính lúc đó, 3 trinh sát đặc nhiệm của Phân đội 3 đã rút về bờ Bắc an toàn. Địch kết luận, đây là vụ thanh toán nội bộ. Tên vệ sĩ bị bắt ngay và toàn bộ lính cảnh sát đồn Xuân Mỹ bị tách riêng để thẩm vấn.

Cái chết của tên Phương gây ra nỗi kinh hoàng cho bọn ngụy quân ngụy quyền ở bờ Nam Bến Hải. Nhiều tên phải ngỏ lời thanh minh với quần chúng và bắn tin với cách mạng, sẽ không gây tội ác với bà con. Cái cụm loa cực mạnh từ đó câm bặt...". Nghe đến đây, tôi buột miệng:

- Nghe cứ như truyện trinh thám, anh ạ.

- Trời đất ơi! Khổ luyện hết sức hết hơi ở ngoài Bắc rồi đó! - Anh Hà lý giải - Tài giỏi chi, bọn mình đã tập không biết bao nhiêu lần đánh vào sân bay, kho xăng, bắt cóc ở nhà tầng. Cho biết trước hẳn hoi mà "quân mình" vẫn bị xơi tái.

Hai trận trên, không thấy anh Hà nhắc đến sự tham gia của mình, tôi hỏi, anh lắc đầu: "Anh em nó đánh, chứ mình có mần chi mô". Nhưng qua các "kênh" thông tin khác, tôi được biết cả hai trận diệt ác ôn ấy, anh Hà đều tham gia vạch kế hoạch và trực tiếp chỉ huy, khi nằm ở ngoài bờ Nam sông Bến Hải, chuẩn bị cho phương án rút an toàn sang bờ Bắc, khi nằm ngay ở hàng rào cảnh sát ngụy. Anh tiếp tục kể cho tôi nghe những trận đánh cũng rất "đặc nhiệm", đúng là "xuất quỷ nhập thần". Đó là trận diệt tên tình báo người Mỹ.

Là người Mỹ, nhưng hắn nói tiếng Vân Kiều rất thạo, biết ăn lạp, mắm tôm, lẩu cá... Với danh nghĩa là người làm từ thiện và truyền đạo Tin lành, song thực chất hắn là tên tình báo "cỡ bự", được Mỹ tung ra bờ Nam sông Bến Hải để chỉ huy một màng lưới tình báo rộng lớn ở cả hai bên giới tuyến. Riêng hắn có cả một tiểu đoàn lính ngụy bảo vệ, nhà riêng ở ngay ấp chiến lược "kiểu mẫu" Ba Trăng. Quanh hắn, lính gác đông như ruồi. Các chiến sĩ đặc nhiệm của Phân đội 3, kỳ công lắm mới đột nhập vào được ấp chiến lược. Được cơ sở nuôi dưỡng, che chở, các anh nghiên cứu tỉ mỉ quy luật hoạt động, nhà ở của tên này.

Vào một đêm cuối tháng 10, gió mùa Đông Bắc tràn về, tên tình báo khép cửa sổ xong, rẽ sang khép cửa ra vào. Bằng cú đấm xoáy từ cằm xốc lên, tên tình báo chỉ kịp "hự" một tiếng, gục xuống, chiến sĩ trinh sát bồi thêm một cú đấm hiểm nữa, hắn lập tức về chầu trời. Tổ trinh sát đặc nhiệm được cơ sở dẫn đường, vượt sông Bến Hải, sang bờ Bắc an toàn ngay đêm ấy...".

Anh Hà còn kể cho tôi nghe nhiều vụ bóc gỡ cơ sở ngầm, màng lưới tình báo của Mỹ - ngụy ở cả bờ Nam và bờ Bắc. Càng nghe, càng hấp dẫn, càng khâm phục các anh - những chiến sĩ đặc nhiệm kiên cường, mưu trí, dũng cảm vô song, nhưng cũng đầy gian khổ, ác liệt, sự sống, cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Khi tôi vô tình hỏi thêm về những đồng chí đã hy sinh trong các trận chiến đấu, anh Hà rơm rớm nước mắt, giọng bùi ngùi:

- Thương mấy thằng quá chừng. Thằng Tuân sau này hy sinh ở chiến trường Quảng Nam. Thằng Hoàng Đình Nhuận, quê ở Quảng Bình, hy sinh năm 1972. Thằng Nguyễn Văn Chương, quê ở Vĩnh Linh; Đỗ Tú ở Đông Hà, trên đường vào sâu các chiến trường, chưa kịp nhận nhiệm vụ mới đã hy sinh. Nhiều anh em bây giờ vẫn chưa tìm thấy phần mộ…

Nói rồi, nước mắt anh ròng ròng, làm mí mắt tôi cứ cay xè, mọng dần lên. Những nếp nhăn trên khuôn mặt anh dày và sâu thêm, trông anh già hẳn đi.

Nếu chỉ biết hoạt động trinh sát của Đại tá Nguyễn Thanh Hà thôi, chưa đủ. Cuộc đời anh như cánh chim bay không biết mỏi. Mỗi giai đoạn gắn với một chiến trường. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, anh bám đất, bám dân, tham gia nhiều trận đánh ở quê hương. Trong một trận chống càn, anh bị thương, phải cắt bỏ một lá phổi. Sau trận đánh, anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba (hồi ấy gọi là Huân chương Chiến sỹ, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký).

Trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, khi đi sâu vào lòng địch, bị địch phục kích, thân thể anh mang nhiều vết thương. Hai vết thương nặng hơn là vỡ hàm dưới và gãy hai xương sườn bên trái. Được quân y các cấp từ đường dây 559 đến Bệnh việnTrung ương Quân đội 108 tận tình cứu chữa, vết thương lành, sức khỏe hồi phục, anh lại xin vào chiến trường. Lúc này, anh được xếp loại thương binh 2/4. Năm 1972, đang chiến đấu để giải phóng Quảng Trị, Nguyễn Thanh Hà được gọi ra Bắc, rồi đi học ở Hunggari. Học xong, anh lại xin vào chiến trường miền Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, năm 1976, anh được bổ nhiệm chức Cục phó Cục Biên phòng quân khu V.

Năm 1980, anh được cử sang Campuchia, chỉ huy Trung đoàn 20 quân tình nguyện Biên phòng Việt Nam, giúp Bạn bảo vệ biên giới tiếp giáp với Thái Lan. Năm 1983, anh được bổ nhiệm là Chỉ huy trưởng BĐBP Bình Trị Thiên. Năm 1989, khi tách tỉnh, anh giữ chức Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị. Về Quảng Trị với hai bàn tay trắng, anh và các đồng chí chỉ huy phải lo toan mọi việc, từ mua đất, xây dựng doanh trại, đến việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Chính thời gian này, BĐBP Quảng Trị đã lập công xuất sắc: Bắt sống một toán biệt kích xâm nhập vào Hướng Hóa…

Có thể nói, cuộc đời của Đại tá Nguyễn Thanh Hà gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc; gắn liền với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Người trinh sát đặc nhiệm năm xưa mãi mãi ghi dấu ấn không phai mờ, để thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.


Nguyễn Xuân Thái[justify]

Thanks

Report [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà TS
Trả lời nhanh

Về Đầu TrangThông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

  

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Quyền hạn của bạn:

Bạn không có quyền trả lời bài viết

Bài viết liên quan:

    © PunBB | Report an abuse | Contribution | © FMvi - Design by baivong
    Liên hệ