0%
Nguyen Hue University Forum

Diễn đàn Trường Đại học Nguyễn Huệ

Click để ẩn/hiện Quảng Cáo

Go downThông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

TS
TS
TS


Trong lần đi trinh sát, một tổ đặc công nước vô tình lọt vào giữa chỗ trú quân của một đơn vị lính nguỵ. Bằng sự dũng cảm và mưu trí, những "người cá" ấy đã không những bảo toàn được tính mạng mà còn tạo ra một câu chuyện những tưởng chỉ có trong huyền thoại...

Đột nhập vào nhà và ngồi uống trà với trung uý Nguỵ


Cậu lính đặc công trẻ Nguyễn Văn Tình (Đoàn đặc công 126) quê vùng miệt biển Giao Thuỷ - Nam Định ngày ấy đã là nỗi kinh hoàng, ám ảnh đối với lính Mỹ, Nguỵ khi nhận nhiệm vụ bảo vệ các tàu vận tải của chúng từ Cửa Việt vào Đông Hà.

Nhiều lần Mỹ, nguỵ rêu rao treo thưởng cho bất kỳ ai nếu bắt được ông. Nhưng ông và những "người cá" đồng đội của mình vẫn thoắt ẩn, thoắt hiện trong bóng đêm, dưới nước nhanh như những con rái cá. Đoạn đường dài khoảng 20 km từ Cửa Việt và Đông Hà vẫn là "tử lộ", đối với các tàu trọng tải lớn (tàu 360 tấn trở lên - PV) của Mỹ, nguỵ.

Lần nhớ lại những ký ức một thuở ấy, ông Nguyễn Văn Tình kể, một lần ông được cấp trên giao nhiệm vụ cùng với đồng đội đi trinh sát tàu vận tải Mỹ ở cầu cảng Đông Hà. Sau khi vượt qua nhiều lớp hàng rào với sự bố phòng nghiêm ngặt của đối phương, khoảng 3 giờ đồng hồ sau, nhóm "người cá" của ông đã tới được bờ Bắc sông Hiếu.

Trinh sát xong, trên đường quay trở lại thôn Thượng Nghĩa thì nhóm của ông chạm trán với toán lính nguỵ đang đi tuần. Bầy lính nguỵ ráo riết đuổi theo. Đêm đó, trời tối đen như mực, bóng đêm bưng kín mắt ông. Chạy được một đoạn, thấy trước mắt có ngôi nhà còn đỏ lửa, ông kéo đồng đội chạy xộc vào.

Người phụ nữ đang nhóm lửa dưới đã hoảng sợ, mặt chị ta cắt không còn một hột máu. Chị ta ú ớ định kêu rú lên. Vừa lúc đó một tên trung uý chạy xộc vào, mặt đằng đằng sát khí, tiến lại đá tung cái mẹt chỗ ông đang ẩn nấp.

Quan sát hành động của tên trung uý, ông đoán hắn chính là chồng của người phụ nữ kia. Và trong cái giây phút sống chết ấy, ông bật dậy và nhanh như cắt nhìn thẳng vào mắt hắn, nói nhỏ cho hắn đủ nghe: Chúng tôi là quân giải phóng, lính các anh đuổi nên chúng tôi chạy vào đây, anh đuổi bọn lính đi rồi chúng ta nói chuyện.

Rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và bị giọng nói nhẹ nhưng có thép của ông khuất phục nhưng tên trung uý sau mấy giây thất thần đã định thần lại được. Hắn quay ra đuổi bọn lính về. Và đêm đó, những người lính cầm súng ở hai chiến tuyến khác nhau ấy đã ngồi uống trà và nói chuyện với nhau.

Ông Tình lấy chân lý khuyên nhủ tên trung uý buông súng, không giết hại người dân vô tội nữa. Và đêm đó hắn đã hứa với ông là sẽ không tàn sát dân lành. Thấy đã an toàn, ông cùng với đồng đội lại hoà vào bóng đêm.

Hút thuốc giữa bầy sói

Có lần đội quân "người cá" đã lọt vào giữa đội hình của đối phương đang trú quân xin thuốc hút rồi biến mất vào trong bóng đêm. Câu chuyện ấy nhuốm màu huyền thoại.

Đêm, bờ bắc sông Hiếu tối đen như mực, trên sông lúc này chỉ còn nhờ nhờ thứ ánh sáng phát ra từ mấy chiếc hải thuyền nguỵ, một tổ đội "người cá" âm thầm chui lên khỏi mặt nước, quan sát vị trí neo đậu của từng chiếc tàu Mỹ, Nguỵ.

Trinh sát xong nhóm "người cá" gồm Nguyễn Văn Tình, Độ, Tâm bò lên bờ, lần vào nhà một cơ sở để nắm tình hình địch trên bộ.

Cơ sở là một phụ nữ có chồng đi tập kết, người mẹ dưới 40 và cô con gái nhỏ. Tổ của ông đã nhiều đêm vào nhà chị nắm tình hình, ám hiệu được thống nhất là khi trong nhà thắp đèn là có địch, trong nhà không thắp đèn là an toàn.

Những đêm trước, ông thường vào lối sau nhà, lần này ông dẫn anh em vào lối cổng trước, ông đi trước và hai đồng đội đi sau. Ven bờ rào ngôi nhà thờ nhờ những hình thù kỳ dị, căng mắt nhìn nhưng ông cũng không thể đoán được là hình gì.

Không gian yên ắng đến ngột thở. Nhẹ, nhanh như những chú mèo, ông tiếp cận ngôi nhà. Khi nhìn thấy cửa, lập tức ông dừng lại và vẫy tay cho 2 người đi sau nằm xuống. Trong nhà có thắp đèn, ông biết là đang có địch, một tên sỹ quan Mỹ và một tên sỹ quan nguỵ đang đi dạo trong nhà, ông ra hiệu cho tổ quay trở ra, đang lần mò trong bóng đêm, bỗng tay ông đạp phải khẩu súng để trên bụng của lính nguỵ đang ngủ.

Tên lính nguỵ chộp được tay ông. Và trong khoảnh khắc chết người ấy, ông lấy giọng miền Nam: "Đ... mẹ, gác đêm lạnh thấy mồ, chiến hữu có thuốc cho xin một điếu đỡ lạnh". Tên lính nguỵ ấy còn đang ngái ngủ, tưởng là đồng đội của mình, hắn móc túi lấy bao thuốc lá và hộp quẹt ném vào người ông: "Hút đi, bỏ lại dưới võng cho tao, để tao ngủ một lát, mệt thấy bà".

Ông nhặt bao thuốc và hộp quẹt châm thuốc hút. Ông rút thuốc đưa cho đồng đội mỗi người một điếu cùng rít, rồi lặn mất trong bóng đêm như những chú mèo.

"Bạch Đằng giang" trên dòng Hiếu giang

10h đêm ngày 28/2/1968, cửa sông Hiếu lúc con nước ròng, đêm tối bịt bùng, thi thoảng có tiếng phi pháo xé dọc bầu trời, một đội quân bí mật lặng lẽ bơi ra giữa dòng cắm gần 1.000 cây tre, 60 cọc phi lao, 200 cuộn dây thép gai huy động từ làng Đại Độ, Thượng Nghĩa, Vinh Quang Thượng... xuống đáy lòng sông.

Tiếp đó là những tổ đội "người cá" mình đen trùi trũi vần thùng quả thuỷ lôi nặng hàng trăm kg, có sức công phá khủng khiếp nhất đi ngầm dưới nước ra dìm xuống đáy sông, trời vừa sáng thì "bãi cọc Bạch Đằng" ấy cũng hoàn thành, đội quân bí mật cũng biến mất, không để lại một dấu vết.

Nước dâng, sông Hiếu phẳng lặng trở lại, toàn bộ bãi cọc ấy biến mất dưới lòng nước. Trên bờ, một đội quân ôm B40, B41 hướng nòng nhằm vào trận địa mai phục sẵn sàng điểm hoả khi lũ tàu vận tải Mỹ, nguỵ lao tới. Và trận địa "Bạch Đằng giang" ở trên đất miền Trung này đã khiến cho 7 tàu vận tải lớn của Mỹ, nguỵ phải phơi xác.

Ngồi trước mắt tôi là một cựu binh "người cá" đặc công nước, trên 70 tuổi nhưng trông ông vẫn còn cường lực. Mắt ông bừng sáng và tràn ắp kỷ niệm khi tôi gợi nhớ ông về những ngày khói lửa nơi chiến trường sông nước Cửa Việt, Đông Hà. Đúng, ông quên sao được những tên đất, tên người, những trận đánh đã đi vào huyền thoại ở vùng đất một thời lửa đạn Mỹ, nguỵ muốn biến thành bình địa ấy.

Ông Bùi Đào Viên nhớ lại: Cuối tháng 2/1968. Chỉ huy tiền phương Đoàn Đặc công 126 nhận được chỉ thị của Bộ Chỉ huy mặt trận B5 phối hợp với nhân dân huyện Gio Linh, Gio Cam tổ chức một hàng rào chắn bằng thân tre, cọc phi lao vót nhọn cùng với cuộn dây thép gai, mìn và thuỷ lôi thả ngầm trên cửa sông Hiếu cách cầu cảng Đông Hà khoảng 2 km.

Nhớ lại trận đánh huyền thoại này, ông Viên bảo: Bây giờ tôi không thể hình dung nổi, với khoảng 60 con người mà chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, giữa sự bố giáp của đối phương lại có thể làm được cái việc tưởng như chỉ có trong huyền thoại ấy.

Việc cắm thủ công gần 2.000 cọc các loại xuống lòng sông chỉ trong nửa đêm là xong. Công việc ấy bình thường thì sức người không thể thực hiện được. Sức mạnh thần kỳ ở đây chính là khát khao chiến thắng, khát khao thống nhất đất nước liền một dải trong mỗi người lính đặc công nước, trong những người dân đất Quảng sống giữa hai bờ chia cắt đất nước. Ý chí ấy chính là sức mạnh thần kỳ đã làm nên một "Bạch Đằng giang" giữa thế kỷ XX.

Câu chuyện hơn 6 giờ chôn mình

Ông Viên bảo, tháng 9/1967, ông nhận nhiệm vụ dẫn một tổ đội "người cá" bí mật trườn qua các "hàng rào tử địa" gài đầy mìn và "cây nhiệt đới" của Mỹ, bò dưới các chốt lính gác sáng choang đèn.

Nhẹ, nhanh, cẩn trọng như những con rắn, nhiều tiếng đồng hồ sau, nhóm "người cá" do ông dẫn đầu đã đột nhập được vào cầu cảng Đông Hà. Cả tổ ngậm ống thở, nằm chìm mấy giờ đồng hồ dưới nước quan sát cầu cảng, nhưng không thấy có tàu vận tải neo đậu, tổ "người cá" của ông lần bóng đêm bò về cơ sở ở thôn Mai Xá, huyện Gio Hà ém quân.

Mình còn hoá trang loang lổ, ông chui vào nằm ngủ dưới gầm bàn thờ bỏ hoang. Trời tang tảng, ông nghe thấy tiếng bước chân dồn dập chạy. Ông biết là bọn lính nguỵ vào làng càn. Không tìm thấy chỗ ẩn nấp an toàn, ông nhảy xuống giếng nước ngoài sân, miệng ngậm ống thở nằm im dưới đáy giếng nghe ngóng.

Nằm được khoảng 10 phút, như có linh tính mách bảo, ông nghĩ: nhà này có khoảng sân rộng, nên bọn lính vào đây nghỉ trưa và ra giếng múc nước tắm, thả xuống đó quả mìn thì toi mạng là cái chắc. Nghĩ vậy ông leo lên thành giếng, chui vào đống rác trong chiếc chuồng trâu gần đó, nằm bất động.

Được vài phút sau, đúng như ông đã phán đoán, bọn lính nguỵ đi càn ấy đã vào căn nhà nơi ông ẩn nấp, chúng nghỉ lại ăn trưa rồi một thằng đi ra cái giếng mà ông vừa chui lên thả mấy quả lựu đạn. Nghe tiếng lựu đạn nổ dưới giếng, ông rùng mình khi biết mình vừa thoát chết trong gang tấc.

Có lần đi trinh sát, do rút ra quá muộn, trời sáng tổ đội của ông đành vào cánh rừng Kỳ Trúc của huyện Gio Linh nguỵ trang. Còn toàn bộ vũ khí được chôn dưới ruộng lúa. Trời sáng, máy bay trinh sát OV10 lượn quanh phát hiện ra dấu hiệu lạ (do chỗ ruộng lúa cất giấu vũ khí nước có màu **c - PV).

Ngay lập tức, một đại đội lính Mỹ tiến đến bao vây chỗ ông và đồng đội đang giấu quân. Khi vòng vây càng khép chặt, biết là không thể đấu súng với toán lính được trang bị tận răng ấy, ông và hai đồng đội còn lại chia mỗi người một ngả chạy vào làng, đạn vãi sau lưng.

Ông bảo: Vì là lính đặc công nên mình chạy rất nhanh, thấy không thể bắt sống được, bọn lính Mỹ quyết định bắn tiêu diệt, một quả phóng lựu nổ sát bên ông, mảnh đạn găm phải chân trái, ông khuỵu xuống. Nhổm dậy, thấy cách bụi tre trước mắt khoảng 20 m có một hố phân tươi, ông ngậm ống thở lăn người vào đống phân xú uế đó.

Bọn lính truy sát đến gần thì mất dấu tích. Chúng tiếp tục lùng sục thêm nhiều tiếng đồng hồ nữa cho đến khi trời sầm sập tối mới chịu bỏ đi. Lần ấy ông đã phải ngâm mình trong đống phân xú uế đó suốt 6 tiếng đồng hồ. Lúc đồng đội tìm ra ông thì cũng là lúc ông hôn mê bất tỉnh, vết thương rỉ máu. Sau khi dìu ông vào cơ sở, do không có bông băng, một đồng đội đã xé áo băng bó vết thương cho ông. Cái ống tay áo thẫm đẫm tình đồng đội ấy giờ đang trưng bày ở Bảo tàng Hải quân.

Kể xong những câu chuyện về những ngày lửa đạn thời trẻ trai ấy, ông bảo: "Trong chiến tranh, mọi thứ đều có thể xảy ra, ở trên mọi mặt trận, người lính phải biết hy sinh, tất cả cho ý chí ngày thống nhất toàn thắng của dân tộc".

Nguồn: tinhte.vn

Thanks

Report [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà TS
Trả lời nhanh

Về Đầu TrangThông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

  

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Quyền hạn của bạn:

Bạn không có quyền trả lời bài viết

Bài viết liên quan:

    © PunBB | Report an abuse | Contribution | © FMvi - Design by baivong
    Liên hệ