0%
Nguyen Hue University Forum

Diễn đàn Trường Đại học Nguyễn Huệ

Click để ẩn/hiện Quảng Cáo

Go downThông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

TS
TS
TS


Vượt qua nhiều chướng ngại vật, anh trinh sát đặc công đã đến sát bờ rào một căn cứ quân sự của địch. Hàng rào toàn dây chì gai, cao hơn 3 mét. Bên trong hàng rào, bọn Mỹ - ngụy phòng thủ nghiêm ngặt. Anh băn khoăn: leo vào bên trong sẽ rất nguy hiểm, nhưng nếu không vào thì làm sao biết chúng bố trí trận địa như thế nào, khi đó sẽ rất khó khăn cho quân ta khi đánh. Một giây suy nghĩ và anh quyết định leo vào.

“Làm cách mạng là chấp nhận hy sinh, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, không được có bất cứ suy nghĩ nào cho bản thân mình”, anh tự nhủ. Đêm tối đen như mực. Người anh thì nhỏ, hàng rào lại quá cao, sụp rào, anh bị treo tòng teng, dây chì gai đâm sâu vào bắp đùi, máu chảy ra nóng hổi. Anh vẫn cắn răng chịu đựng.

Qua khỏi hàng rào, anh bò đến sát ụ pháo của chúng, nhìn vào một cái lỗ để quan sát tình hình bên trong. Chợt giật mình khi phát hiện đây là lỗ châu mai của địch, may mà tên lính canh mải lo ghi ghi chép chép nên không phát hiện. Anh leo lên ụ pháo nhìn xuống, quan sát kỹ trận địa của chúng, sau đó nhẹ nhàng bò trở ra, quay về báo cáo với đơn vị, bố trí lực lượng tấn công.

Chuyện người trinh sát đặc công Chuyen1

Mỗi huân chương chiến công đều gắn liền với những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời cách mạng của ông.
Ảnh: PHÚC DUY
Chỉ trong vòng 30 phút nổ súng, quân ta đã chiếm lĩnh trận địa, tiêu diệt khoảng 30 tên tại chỗ, bắt một số tù binh, phá hủy hoàn toàn 4 khẩu pháo 105 ly của địch. Quân ta không bị thương vong. Sau chiến thắng, người trinh sát đặc công gan dạ ấy được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
Đã hơn 40 năm rồi nhưng mỗi khi nhắc lại, ông Năm Khởi (Võ Văn Khởi, Võ Văn Năm), hiện ngụ tại phường 5, TP Cà Mau, vẫn nhớ rõ từng chi tiết của trận đánh đồn Bình Thủy - Long Tuyền năm ấy.

Trong cuộc đời trinh sát đặc công của mình ông đã trực tiếp chiến đấu 125 trận đánh lớn, nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu về cho quân ta rất nhiều vũ khí. Với ông, chiến công nào cũng đều là niềm tự hào, đều để lại dấu ấn không bao giờ phai về tình đồng chí đồng đội, tình quân dân thắm thiết.

Ân tình không phai

Ông ngậm ngùi: “Cha mẹ sinh ra và nuôi tôi khôn lớn. Cách mạng đã trui rèn cho tôi ý chí đấu tranh. Và trong cuộc chiến sinh tử ấy, tôi đã nhiều lần được tái sinh, nhờ vào nhân dân. Nhờ họ mà tôi mới được chứng kiến ngày toàn thắng và có ngày hôm nay”.

Ông còn nhớ, trong trận đánh pháo Vị Thanh tháng 6/1969, lúc đó ông là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 309, cùng với 7 đồng chí nữa được giao nhiệm vụ nghiên cứu địa hình. Không ngờ bị giặc phục kích ngoài đồng, 2 đồng chí hy sinh, 2 người bị lạc và 4 người bị thương, trong đó có ông.

Cả hai chân ông đều trúng đạn, không thể đi được, lại lạc mất đồng đội, ông cố gắng lết đi tìm chỗ ẩn nấp chờ đồng đội đến cứu. Đến hừng sáng thấy một nhóm lính đi về phía mình, ông đưa tay vào túi nơi đang cất giữ trái lựu đạn cuối cùng, dự định nếu chúng đến gần sẽ rút nhíp quyết tử với chúng.

Bọn lính vẫn chưa phát hiện ra ông nhưng vết thương càng lúc càng đau dữ dội, ông liều mình lết về phía những người nông dân đang nhổ mạ gần đó, giả vờ như đang nhổ cỏ. Bỗng có hai nông dân vác hai cây vá tiến về phía ông, hỏi han ông mấy câu rồi một người đi về phía bọn lính. Trong lòng ông không khỏi nghi ngờ đây là tai mắt của địch.

Thế nhưng, không hiểu sao người nông dân đó dẫn dụ được bọn lính rẽ hướng khác về đồn, còn ông ta thì quay trở lại cõng ông xuống mé kinh Nhị Bình, đưa ông lên một chiếc xuồng gần đó, lấy mấy tàu lá đậy lại và chở về vùng giải phóng. Ông Năm ngậm ngùi: “Sau ngày giải phóng tôi có đi tìm và gặp lại người nông dân đó. Tôi mới biết sau khi đưa tôi về vùng giải phóng an toàn, ông ấy quay trở lại và bị bắt. Bọn chúng đánh ông tàn nhẫn và đày ra Côn Đảo mấy tháng”.

Cũng trong năm 1969, trong trận tập kích ở kinh Út Lò, xã Hỏa Lựu, huyện Vị Thanh, Cần Thơ, ông cùng 5 chiến sĩ được giao nhiệm vụ “giương công” (bắn vào đội hình địch) chi viện cho đơn vị Tiểu đoàn 309 tập kích quân địch. Do chủ quan nên ông bị chúng phát hiện và bắn trọng thương.

“Lần này tôi lại may mắn gặp được một anh bộ đội dìu đi giấu ở một nơi an toàn, sau đó về báo cho một cơ sở của ta. Bà Lê Thị Thân đã tìm đến, đưa tôi về nhà chăm sóc chu đáo đến khi tôi lành vết thương và đưa tôi về cứ an toàn. Thật là lạ, cả tên, họ và chữ lót của bà ấy đều trùng tên với má tôi. Sau này gặp lại tôi đã nhận bà làm má nuôi”.

Giọng ông bỗng chùng xuống: “Cũng vì chuyện này mà sau đó bọn giặc phát hiện. Chúng bắt và đánh bà đến chết đi sống lại, sau đó đưa bà đi nhà lao Chí Hòa và đày ra Côn Đảo đến năm 1973 mới thả về trong đợt trao trả tù binh”.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 1/3 thế kỷ nhưng trong lòng người trinh sát năm xưa vẫn còn mang nặng những ân tình. Sau ngày thống nhất đất nước, ông đã cố công tìm kiếm những người đã từng cứu sống và cưu mang mình nhưng có nhiều người ông vẫn không thể nào tìm được. Món nợ ân tình này ông mãi ghi khắc trong tim.

“Cháu có muốn viết thì nên viết về những người dân thường ấy, chính họ mới là những con người vĩ đại, mới xứng đáng được tôn vinh. Còn tôi, suy cho cùng những chiến công mà tôi có được cũng đều nhờ họ mà có”, ông chân tình bộc bạch.

Chuyện người trinh sát đặc công Chuyen2

Bộ đội Cà Mau gài trái, cắm chông đánh địch. Ảnh tư liệu: VÕ AN KHÁNH
Bí thư Đảng ủy phường 5, TP Cà Mau Trần Biên Thùy nhìn nhận: “Anh Năm Khởi đúng là một tấm gương mẫu mực trong phong cách sống và làm việc mà chúng tôi, thế hệ đi sau phải học tập, noi theo. Giai đoạn 1986-1990, trong điều kiện khó khăn về mọi mặt của phường, với vai trò Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND phường, anh Năm đã đưa phường từng bước phát triển đi lên về mọi mặt.
Anh đặc biệt tâm huyết với công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo của địa phương. Trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của phường, chúng tôi học tập ở anh tính kỳ quyết, trung thực và luôn đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu”.

Giải tỏa nỗi oan khuất hơn 40 năm

Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở ấp Thanh Tùng B, xã Quách Văn Phẩm, nay là xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi. Sau 2 cuộc kháng chiến, 7 người đã công hiến một phần máu xương mình cho đất nước và trở thành thương binh (cha mẹ ông, 4 anh em ông và người chị dâu).

Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 1969, mọi công tác chuẩn bị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông đã hoàn tất. Thế nhưng có một nhầm lẫn xảy ra: có tin cha của một cán bộ tên Võ Văn Năm bị ta xử lý, do có những hành động phản cách mạng. Việc công nhận danh hiệu anh hùng tạm thời dừng lại.

Sau này qua quá trình điều tra được biết đó là một cán bộ cùng tên họ với ông nhưng quê ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình. Còn gia đình ông đúng thật là một gia đình cách mạng gương mẫu, cha mẹ ông đều là thương binh và cha ông mất vì bệnh.

Nỗi oan khuất hơn 40 năm đã được giải tỏa, ngày 30/1/2011, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định phong tặng ông danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vậy là những cống hiến của bản thân và gia đình ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Niềm vui vỡ òa và nước mắt đã rơi trên gương mặt già nua của người trinh sát đặc công gan dạ năm nào.

Đổi lấy những chiến công oanh liệt là 21 vết thương trên khắp cơ thể, trải qua 18 lần phẫu thuật, trong đó có 10 lần đại phẫu. Hiện nay, nhiều mảnh đạn pháo vẫn còn sót lại trong người ông gây đau nhức mỗi khi trái gió trở trời.

Dù hai chân chênh nhau đến 8 phân, dáng đi khập khiễng, sức khỏe giảm sút, nhưng người thương binh 2/4 với 40 năm tuổi Đảng ấy vẫn miệt mài lao động và tiếp tục cống hiến quãng đời còn lại cho quê hương xứ sở./.

Bút ký của Thùy Trâm

Thanks

Report [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà TS
Trả lời nhanh

Về Đầu TrangThông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

  

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Quyền hạn của bạn:

Bạn không có quyền trả lời bài viết

Bài viết liên quan:

    © PunBB | Report an abuse | Contribution | © FMvi - Design by baivong
    Liên hệ